Tỉnh đầu tiên ở Việt Nam tự làm đường cao tốc kết nối 3 sân bay và kỳ tích “500 ngày đêm”
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên tự huy động vốn làm đường cao tốc, trong đó có tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam.
Thi công “thần tốc” cao tốc đẹp như mơ, hiện đại hàng đầu Việt Nam
Quảng Ninh hiện có 2 tuyến cao tốc lớn là cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và Vân Đồn – Móng Cái, 2 tuyến cao tốc này đã nâng tổng số đường cao tốc tại Quảng Ninh lên gần 180km chạy dọc tỉnh, kết nối các trung tâm kinh tế Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái và hàng chục khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh.
Và điều đặc biệt, cả 2 tuyến tuyến cao tốc của tỉnh hiện có đều do địa phương tự huy động vốn và thực hiện.
Riêng về tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng đã chính thức thông xe được gần 2 năm. Cao tốc được thi công trong thời gian trên 500 ngày kể từ khi hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Tổng chiều dài của tuyến là hơn 80km, tốc độ thiết kế 120km/h, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp.
Cao tốc đi vào hoạt động giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Móng Cái chỉ còn 3 giờ, mở ra không gian phát triển mới cho Quảng Ninh và toàn bộ vùng Đồng bằng sông Hồng.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái kết nối đồng bộ với cao tốc Vân Đồn – Hạ Long – Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 600km. Từ đó đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước với 176km, chiếm tỉ lệ 18% chiều dài cao tốc đã đưa vào sử dụng trong cả nước.
Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối 3 sân bay (Nội Bài – Cát Bi – Vân Đồn), 3 khu kinh tế với 1 cửa khẩu quốc tế.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tuyến đường cao tốc kết nối vùng dài nhất Việt Nam này đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á – Đông Nam Á, ASEAN – Trung Quốc, Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt – Trung, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng. Từ đó, tuyến đường sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh đó, nhiều người dân, du khách còn rất ấn tượng bởi đây là cao tốc hiện đại, đẹp hàng đầu Việt Nam với cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn, sự kết hợp hài hòa giữa rừng và biển.
Anh Lê Hồng Thanh, người dân TP Hạ Long chia sẻ với phóng viên báo Quảng Ninh rằng: Đi trải nghiệm trên tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái cảm giác rất thư thái. Cao tốc mới, mặt đường êm, cảnh quan đẹp khiến quãng đường từ Hạ Long đến Móng Cái trôi đi rất nhanh. So với thời gian trước đây khi ra Móng Cái mất hơn 3 giờ di chuyển trên Quốc lộ 18 hẹp và nhiều đường cong, thì nay thời gian đi chỉ còn 1/3.
Nhiều kỳ tích trên tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái
Trong một thời gian không dài, từ một tỉnh gần như không có gì về đường bộ cao tốc, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh có tuyến đường bộ dài nhất nước ta, bí quyết để làm nên kỳ tích là gì?
Để phục vụ thi công cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, chỉ vỏn vẹn trong 15 ngày, Quảng Ninh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án, thu hồi gần 190ha đất, liên quan đến gần 1.200 hộ dân. Đây là kỷ lục về thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng của tỉnh từ trước tới nay.
Ngay sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng, Quảng Ninh tiếp tục phát động chiến dịch “500 ngày đêm” hoàn thành tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, bắt đầu từ tháng 8/2020.
Quá trình triển khai thi công dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng thi công lớn trong điều kiện địa chất, thủy văn hết sức phức tạp, địa hình thi công liên tục thay đổi, khối lượng của dự án rất lớn: Gần 15 triệu m3 đất đá, xây dựng 35 cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài 7,9km, 4 nút giao, 3 cầu vượt nút giao (trong đó cầu Vân Tiên là cầu vượt biển, có chiều dài lớn nhất trên địa bàn tỉnh với 1.515m, lập kỷ lục mới về tiến độ thi công trong 11 tháng), 17 cầu vượt, 47 hầm chui dân sinh, 291 cống các loại…
Các nhà thầu đã phải huy động tối đa các loại máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại bậc nhất, đòi hỏi độ chính xác cao, với trên 1.000 máy móc, thiết bị.
Công trình đã phải huy động gần 3.000 kỹ sư hàng đầu có kinh nghiệm và được đào tạo chuyên sâu cùng đội ngũ công nhân lành nghề để vừa đảm bảo chất lượng thi công, vừa đảm bảo an toàn lao động và thẩm mỹ của công trình với nhiều giải pháp thi công hiệu quả nhất.
Kỳ tích đó còn đến từ sự đột phá về cơ chế “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đầu tư công – quản lý tư” và “đầu tư tư – sử dụng công theo phương thức PPP” được áp dụng gắn chặt với thực tiễn và sáng tạo. Điểm quan trọng của cơ chế này nằm ở yếu tố Quảng Ninh sử dụng một lượng ngân sách để làm “vốn mồi” dẫn dắt các nguồn vốn khác với tinh thần lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ.
Cụ thể, tại dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài 80,2km, nhà đầu tư bỏ tiền xây 63,5km, ngân sách tỉnh đầu tư 16,7km.
Chia sẻ với báo trên, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, tỉnh Quảng Ninh đã thoát ra khỏi lối tư duy cũ kỹ, bám chặt vào bầu sữa ngân sách của Nhà nước khi làm đường cao tốc. Để thu hút được các nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã thay đổi tư duy, thuê các đơn vị tư vấn uy tín nước ngoài để lập ra bảy quy hoạch chiến lược với phương châm “có quy hoạch tốt thì có dự án tốt, có dự án tốt thì có nhà đầu tư”. Thực tế cho thấy với những quy hoạch hiện đại, đồng bộ và một cơ chế mới thông thoáng, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến, đồng hành với tỉnh.
Quảng Ninh sẽ xây thêm 2 tuyến cao tốc đến năm 2030
Theo thống kê, từ khi đưa vào khai thác đến nay, cao tốc Vân Đồn- Móng Cái thu hút lượng lớn phương tiên lưu thông, đạt trên 5.000 lượt/ngày, hoạt động giao thông diễn ra an toàn, thông suốt, thuận tiện.
Khi mảnh ghép cuối cùng được hoàn thiện, viễn cảnh sáng ăn sáng ở Hà Nội, trưa lang thang ngắm biển Trà Cổ, chiều mua sắm ở cửa khẩu Móng Cải, tối ngủ ở Hạ Long đã trở thành hiện thực. Từ tuyến cao tốc này, những lối vào các khu nghỉ dưỡng, công nghiệp, khu kinh tế ven biển như Quảng Yên, Vân Đồn đã rộng mở thu hút nhiều nhà đầu tư có tiếng tìm về.
Từ những kinh nghiệm và thành tựu thực tiễn, Quảng Ninh sẽ xây thêm 2 tuyến cao tốc quy hoạch mới là cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long (CT 09) và Cao tốc Tiên Yên – Lạng Sơn – Cao Bằng (CT 10) theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, cao tốc CT 09 là tuyến kết nối TP Hạ Long đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) dài 146 km. Đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh dài khoảng 57 km với điểm đầu là ranh giới Hải Dương – Quảng Ninh (thị xã Đông Triều), điểm cuối bắt vào cao tốc Hạ Long – Vân Đồn ở xã Sơn Dương, TP Hạ Long. Theo lộ trình giai đoạn 2021 – 2030, cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long sẽ triển khai xây dựng đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt tốc độ thiết kế 100-120 km/h, quy mô 4 làn xe. Giai đoạn sau năm 2030 phát triển theo nhu cầu thực tế.
Còn đường cao tốc CT 10 có điểm đầu tại đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Tiên Yên; điểm cuối tỉnh Quảng Ninh tại xã Điền Xá, huyện Tiên Yên (ranh giới Quảng Ninh – Lạng Sơn). Đoạn cao tốc CT 10 qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh dài khoảng 25 km. Dự kiến, giai đoạn 2021 – 2030, đơn vị chức năng quản lý quỹ đất quy mô 4 làn xe thuộc tuyến này. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ triển khai xây dựng đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt tốc độ thiết kế 100-120 km/h, quy mô 4 làn xe.
Nguồn: CafeF